Dù chưa từng hay đã trải nghiệm nhiều năm với 'con đường đau khổ' trong ngành Nhuộm, bạn cũng nên tìm hiểu khả năng kỳ diệu mà công nghệ thông tin (CNTT) mang đến cho lĩnh vực quản lý và sản xuất màusắcnày.
Tất cả các nhà sản xuất công nghiệp đều bận tâm đến bề ngoài của sản phẩm: màu sắc, độ bóng bề mặt, hình dáng, cấu trúc bề mặt, mờ đục hay trong suốt... Trong đó, dĩ nhiên màu sắc không phải là toàn bộ chất lượng của sản phẩm nhưng lại quyết định rất lớn đến khả năng xâm nhập thị trường.
Dáng vẻ và màu sắc tạo nên một tác động tâm lý nơi người tiêu dùng về chất lượng, tuổi thọ sản phẩm để họ quyết định có... bỏ tiền ra mua sản phẩm hay không. Khách hàng công nghiệp còn đòi hỏi tất cả sản phẩm cùng loại phải có màu sắc đúng yêu cầu và giống nhau trong cả loạt sản phẩm. Khi phát hiện có sự khác biệt về màu sắc trong cùng một loạt sản phẩm, họ luôn cho rằng đó là biểu hiện của chất lượng kém.
Để đạt được yêu cầu đó, từng sản phẩm phải có các đặc tính giống hệt nhau về màu sắc. Quan trọng như vậy, nhưng chúng ta có bao giờ tự đặt một câu hỏi như đứa trẻ lên ba: Màu sắc là gì?
►Lý thuyết về màu sắc: những... con số3
Từ đầu thế kỷ XX, Eugene Chevreul nói: 'Màu sắc trong chúng ta'. Phát biểu nổi tiếng này xác định rằng rất khó để có thể thông tin cho người khác về màu sắc. Chẳng hạn: đỏ vừa, đỏ đậm, đỏ Bordeaux... 'Tím Huế', 'Mỡ gà', 'Xanh đọt chuối'. Hay thậm chí màu... 'vàng bệnh hoạn'... Thế nhưng để diễn tả thật chính xác bằng lời nói một màu mà ta muốn người thợ sơn thực hiện như ý ta thì quả là quá khó, trừ khi ít ra bạn có mẫu màu để họ xem tận mắt.
Ngày nay, cả một lý thuyết đồ sộ về màu đã được xây dựng hoàn chỉnh và được sử dụng trong tất cả các ngành liên quan đến đời sống con người, như in ấn, plastic, nhuộm vải, sơn, thực phẩm... Lý thuyết này dựa trên các khái niệm cơ bản:

Màu và sự'khác biệt' dưới hai nguồn sáng khác nhau: ánh sáng nhân tạo, ánh sáng ban ngày ngoài trời
|
Màu sắc của một vật thể được quyết định bởi 3 yếu tố: nguồn sáng, đặc tính của vật liệu bề mặt, khả năng cảm ứng màu sắc của nguời quan sát.
Mọi màu sắc được pha trộn từ 3 màu cơ bản: đỏ (Red), lục (Green), xanh (Blue).
Giới đồ họa rất quen thuộc với khái niệm RGB này. Từ rất xa xưa, các thợ sơn và thợ nhuộm đã phát hiện rằng với 3 màu cơ bản Đỏ - Lục - Xanh, họ có thể pha chế nên mọi màu sắc cần thiết mà con người có thể nhìn thấy được.
Tuy vậy, phải cần đến thiên tài Thomas Young giải thích hiện tượng trên qua khám phá về sự hiện diện của 3 loại tế bào hình cone cảm biến màu sắc trên mắt người. 3 loại này gồm: Blue Cone - loại tế bào có độ cảm ứng cao nhất với sóng màu Xanh (bước sóng ngắn), Green Cone - cảm ứng với màu Lục (bước sóng trung bình), và Red Cones cảm ứng với màu Đỏ (bước sóng dài). Khi nhìn vật thể, ánh sáng phản chiếu từ vật thể sẽ rọi lên võng mạc, và tuỳ vào màu sắc phản chiếu mà từng loại tế bào cảm ứng từng màu với mức độ khác nhau. Luồng xung điện từ các tế bào này đưa về não tổng hợp lại, giúp con người phân biệt được màu sắc này và màu sắc khác.
►Dùng 3 đại lượng để xác định màu sắc:
- Độ sáng: Lightness (L) - biểu thị cho việc phản xạ hoặc phát xạ ánh sáng của vật thể nhiều hay ít. Khi dùng khái niệm sáng/tối, chính là bạn nói đến giá trị này.
- Sắc độ (độ chói): Chroma (C) - biểu thị cường độ màu đơn sắc của nguồn sáng vật thể. Khi nói đỏ đậm, đỏ nhạt..., chính là bạn nói đến giá trị này.
- Màu sắc: Hue (H) - biểu thị các màu đơn sắc. Đây chính là đại lượng làm cho bạn gọi tên các màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam... Nó chỉ giá trị tương ứng của các sóng ánh sáng có bước sóng khác nhau nằm trong dải thấy được của mắt người.
Tất cả các màu sắc đều có thể biểu thị bởi 3 đại lượng này, và 3 giá trị này là duy nhất cho một màu. Dựa vào đó, ta có thể biểu thị một màu sắc bất kỳ bằng một hệ toạ độ 3 chiều (hệ toạ độ màu sắc).
►Quản lý màu sắc khi chưa có.... máy tính

Nguyên tắc phân chia màu ở tập Atlas Munsell
|
Sau khi xây dựng nền tảng về hệ toạ độ màu sắc 3 chiều, người ta lần lượt sáng chế các thiết bị để đo 3 đại lượng trên (máy đo quang phổ kế, máy đo cường độ ánh sáng...), và xây dựng các bộ chuẩn hệ thống về màu sắc như CIE 1931 (tiêu chuẩn quốc tế về màu sắc). Trong đó, toán học được dùng để quy đổi các yếu tố L, C, H thành 3 đại lượng X, Y, Z để biểu thị màu sắc bất kỳ:
X: Biểu thị cho yếu tố màu Đỏ.
Y: Biểu thị cho yếu tố màu Lục.
Z: Biểu thị cho yếu tố màu Xanh.
Trong công nghiệp về màu sắc, thay vì nói màu đỏ, người ta sẽ dùng 3 toạ độ X, Y, Z để trao đổi thông tin. Dù sao, chỉ dựa vào đó để đối chiếu màu sắc khi sản xuất và kiểm tra sản phẩm vẫn còn rất khó khăn. Bởi khi tiến hành đo lường, chỉ sai một đại lượng là màu sắc đã thay đổi khá xa. Do đó, phải tìm cách tổ chức các màu sắc theo một cấu trúc (phân loại màu sắc) và sắp xếp theo trật tự quy ước.
Năm 1976, CIE đưa ra 2 hệ thống mới: CIELUV và CIELAB, trong đó phổ biến nhất là CIELAB dùng các hàm toán học để xác định và sắp xếp màu sắc vào một trật tự không gian 3 chiều.
Người ta phải sử dụng bảng phân loại màu được in ấn và phát hành hàng năm như một bảng tiêu chuẩn về màu sắc, làm cầu nối cho người đặt hàng và người sản xuất. Nổi tiếng và phổ biến nhất là hệ thống bảng màu của nhà xuất bản Pantome®. Do số lượng màu không ngừng tăng lên mỗi năm, và tùy theo từng lĩnh vực mà ta có Pantome cho ngành Dệt May, Pantome cho ngành In... Các tập Atlas này cũng được sắp xếp trên nền tảng của CIELAB.
Việc sử dụng bảng màu cũng đòi hỏi phải tuân thủ các điều kiện về quan sát màu sắc như nguồn sáng quan sát, bảo quản (quan sát bằng hộp so mẫu có ánh sáng tiêu chuẩn). Thông thường, không có bảng màu nào còn giữ đúng màu sắc sau 5 năm nên phải thay đổi và cập nhật các ấn bản mới. Điểm hạn chế cơ bản: do các bảng màu này đều in trên giấy nên khó đảm bảo độ chính xác của màu sắc khi áp dụng vào sản xuất các loại bề mặt vật liệu khác như vải, nhựa...
►CNTT giải pháp tối ưu để quản lý màu sắc
Cuối cùng thì CNTT phải nhảy vào 'cuộc chơi' khó khăn này. Các nhà chế tạo thiết bị đo lập tức cho các thiết bị của mình nối trực tiếp vào máy tính: các đại lượng đo được truyền ngay vào máy để cho ra các con số X, Y, Z hay L, a, b (L, c, h) gần như tức thời. Máy tính có thể điều khiển máy đo lặp lại hoạt động đo nhiều lần để tính giá trị trung bình chính xác nhất của các đại lượng.
Chưa dừng ở đó, với khả năng xử lý cơ sở dữ liệu (CSDL) khổng lồ, người ta có thể đưa vào CSDL hàng triệu giá trị màu sắc khác nhau khi tiến hành đo trên các vật liệu khác nhau và lưu trữ chúng đồng thời với các biện pháp tạo ra màu sắc đó (như nguyên liệu bề mặt, loại phẩm màu, điều kiện về máy móc thiết bị, nhóm khách hàng...).
Sau đó, với các chức năng khai thác CSDL như tìm kiếm, so sánh, và tuyệt vời là khả năng tái tạo màu sắc từ các số liệu lưu trữ ngay trên màn hình, nhà sản xuất phần mềm chuyên nghiệp khai thác các khả năng về lập trình CSDL để phục vụ cho nhà sản xuất trong việc quản lý và sản xuất màu sắc.
Máy tính còn được dùng để điều khiển các thiết bị liên quan trong quá trình sản xuất thử nghiệm như máy pha màu, cân điện tử, quản lý kho hoá chất...; thậm chí, quản lý cả robot điều khiển việc lấy màu với số lượng chính xác trong kho, đem ra tận nơi sản xuất.
►'Con đường đau khổ' của ngành nhuộm
Nếu bạn làm việc trong ngành này, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh sau: khách hàng đưa cho bạn một bảng vải mẫu có khoảng 20 màu khác nhau và yêu cầu nhuộm cho họ mỗi màu 10.000m vải 'giống y thế này'! Có đơn hàng là tốt quá, nhưng làm sao để bảo đảm quá trình nhuộm vừa đúng mẫu màu, vừa phải đồng màu trong cả lô? Quá khó!
Cho đến nay, chính rào cản của kỹ thuật quản lý nhuộm đã khiến cho ngành Dệt May Việt Nam phát triển theo hướng... mất cân đối. Chúng ta xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm may nhưng đa phần là may gia công (nguyên liệu vải vóc đưa vào từ nước ngoài), còn sản phẩm nhuộm lại thiếu tính đồng bộ về màu sắc, không đáp ứng nhu cầu may công nghiệp; việc thực hiện mẫu màu theo ý khách hãy còn chậm, dẫn tới tỷ lệ xuất khẩu vải của Việt Nam còn rất thấp nếu so sánh với sản phẩm may xuất khẩu.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Dệt - Nhuộm - May Việt Nam đang làm theo các bước sau:
- Bằng kinh nghiệm, cán bộ phòng thí nghiệm chọn hoá chất và phẩm màu phù hợp với vật liệu, so sánh với màu khách đưa (bằng mắt) và nhuộm thử. Đưa mẫu cho khách xác định màu. Nếu chưa đúng thì nhuộm lại cho đến khi khách đồng ý xác nhận màu (ký vào đó!)
- Dùng công thức màu mà khách đã xác nhận để đưa vào sản xuất lớn mẻ đầu tiên. Nếu có sai lệch (dùng mắt xác định so sánh với mẫu vải mà khách đã xác nhận) thì tiến hành sữa chữa, châm thêm màu..., giặt lại hay thậm chí phải bỏ mẻ đầu làm lại.
Đánh giá trình độ của một phòng thí nghiệm trong xí nghiệp Nhuộm, người ta luôn hỏi câu đầu tiên: Nhuộm trúng mẻ đầu bao nhiêu %?
Nếu mẻ đầu mà trúng màu hơn 70% thì trình độ phòng thí nghiệm thuộc loại giỏi!
- Khi mẻ đầu nhuộm được đúng như mẫu màu khách đã đồng ý, tất cả thông số thiết bị, điều kiện nhuộm được ghi lại để sau đó triển khai nhuộm hàng loạt với cùng điều kiện nhuộm.
- Tuy vậy, đến đây chưa phải là xong việc, bởi sau quá trình nhuộm, vải còn phải hoàn tất và kiểm tra lại về màu sắc (do quá trình hoàn tất có sinh nhiệt, nên có khả năng màu sắc bị thay đổi vì màu bốc hơi bớt).

Hệt thống so màu và pha trộn dung dịch tự động (Orintex)
|
- Kiểm tra lần cuối, so sánh với mẫu chuẩn (khách ký nhận), nếu không chênh màu thì xem như đạt chất lượng (về màu sắc)!
Diễn tả như vậy thì thấy công việc có vẻ logic và rõ ràng. Thế nhưng trên thực tế, quá trình nhuộm vải để đạt được màu sắc giống hệt nhau trong cả lô sản phẩm đòi hỏi phải bảo đảm chính xác trong tất cả công việc sau:
- Phải xác định công thức màu tối ưu (kinh tế nhất, ổn định nhất).
- Phải bảo đảm cân đong đo đếm khi pha màu thật chính xác trong phòng thí nghiệm và cả trong quá trình sản xuất (độ chính xác trong phòng thí nghiệm là 0,01g, và trong sản xuất sai số lớn nhất cho phép cũng phải là 1g cho vài trăm kg hoá chất).
- Phải bảo đảm tỷ lệ vải và dung dịch nhuộm giống nhau (dung tỷ).
- Phải bảo đảm điều kiện làm việc của thiết bị là giống nhau (nhiệt độ, áp suất, thời gian, vận tốc...).
- Chỉ cần một chút sai sót, cả mẻ nhuộm sẽ bị sai màu, lệch màu (mà thiệt hại của một mẻ nhuộm thường lên đến hàng chục triệu đồng!).
Một chuyên gia nhuộm giỏi bám theo suốt quá trình sản xuất một màu còn có thể truy nguyên ra các sai sót trong quá trình sản xuất để điều chỉnh kịp thời. Nhưng với 20 màu, 200 màu sản xuất đồng thời, làm sao anh ta thực hiện nổi!
Đó chính là công việc khó khăn và mất nhiều thời gian đối với người làm công tác kỹ thuật. Đó cũng chính là vấn đề đau đầu nhất của các nhà quản lý các xí nghiệp Nhuộm và công ty dệt may có ngành Nhuộm hiện nay.
Có thể kết luận: Doanh nghiệp nào quản lý thành công hệ thống sản xuất nhuộm (thực hiện được các tiêu chí nhanh, tiết kiệm, chính xác, độ chênh màu trong loạt lớn sản phẩm thấp), doanh nghiệp đó nhất định thành công trên thương trường không chỉ trong nước mà còn khắp thế giới.
►Hệ thống kỹ thuật số cho ngành nhuộm
Số hoá (hay điện toán hoá) công tác quản lý màu sắc là chiếc chìa khoá vàng để giúp các doanh nghiệp thành công trong thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay. Nó không giải quyết hết những vấn đề của ngành Nhuộm (như các phản ứng hoá học khi nhuộm, các điều kiện liên quan đến con người như thao tác công nhân tại máy nhuộm), nhưng là công cụ đắc lực để quản lý cả hệ thống sản xuất từ đầu vào cho tới đầu ra.
Một hệ thống kỹ thuật số hoàn chỉnh và cần có cho ngành Nhuộm gồm các phân hệ sau (xin liệt kê theo thứ tự đầu tư có lợi nhất):
Trong phòng thí nghiệm:
- Hệ Thống So Màu Tự Động - Color Matching (CAD - hỗ trợ thiết kế): gồm máy quang phổ kế; và phần mềm giúp thiết lập công thức màu, lưu trữ công thức, phát sinh công thức màu tự động từ dữ liệu đã có, điều chỉnh công thức tự động (hay bằng kinh nghiệm) cho đúng màu, kiểm tra chất lượng về màu sắc.
- Hệ Thống Pha Trộn Dung Dịch - Automatic Mixing and Meter of Solutions (CAM - hỗ trợ sản xuất): Pha dung dịch đạt nồng độ yêu cầu trước khi đưa các bình dung dịch vào máy pha màu tự động.
- Hệ Thống Pha Màu Tự Động - Color Automatic Dispensing (CAM): gồm máy pha màu tự động điều khiển bằng máy tính, để phối trộn các loại màu nhuộm theo đúng tỷ lệ nồng độ trong công thức đã thiết lập từ hệ thống CAD nhằm tạo dung dịch nhuộm thí nghiệm.
- Máy Nhuộm Thí Nghiệm Bằng Tia Hồng Ngoại - Infra Red Dyeing Machine: Thực hiện các quá trình nhuộm theo đúng quy trình về nhiệt độ và thời gian mô phỏng trong sản xuất lớn.
►Trong sản xuất nhuộm hàng loạt:
- Phần mềm quản lý công thức để sản xuất: Thực hiện việc tính toán tỷ lệ hoá chất, phẩm màu cho vào từng mẻ nhuộm tự động theo khối lượng nhuộm (Scheduling Formula).

Tổng số màu khác biệt giữa hai quả banh đỏ
|
- Phần mềm quản lý kho hoá chất thuốc nhuộm - Filling Stock of Dyeing and Auxilary Products: Giúp xác định số thuốc nhuộm, chi phí thuốc nhuộm, hoá chất cho từng mẻ nhuộm. Thống kê lượng hoá chất sử dụng hàng tháng, hàng năm, theo từng đơn hàng, khách hàng, loại sản phẩm.
- Hệ Thống Cân Điện Tử (nối với máy tính) và phần mềm đi kèm: Tự động kiểm soát việc cân màu đúng theo công thức (khắc phục trường hợp cân sai). Hệ thống này in ra các phiếu cân màu để kiểm tra theo dõi việc pha chế phẩm nhuộm có đúng công thức không.
- Hệ Thống Kho Thuốc Nhuộm Thông Minh - Automatic Dyestuff Ware House: Hệ thống này mở rộng từ hệ thống cân điện tử nối kết với kho thuốc nhuộm, giúp việc lấy thuốc nhuộm từ kho chứa một cách nhanh chóng và chính xác theo đúng công thức đã đưa ra, loại trừ lầm lẫn trong thao tác của công nhân.
- Hệ Thống Pha Trộn Hoá Chất Dạng Lỏng Tự Động - Dosing of Liquid Products: Là một hệ thống phát triển của hệ thống pha màu đã nói ở trên nhưng được dành riêng cho các hoá chất trợ ở dạng lỏng, hay đã pha lỏng (chemical, auxilary) - phân biệt với thuốc nhuộm (dyestuff)). Hệ thống này pha chế hoá chất và các chất trợ theo số lượng và nồng độ định sẵn trong công thức màu được 'lôi' ra từ phần mềm quản lý công thức nói trên.
- Hệ Thống Pha Màu Trung Tâm, Dạng Bột - Dosing of Powder Products: Đây là hệ thống robot để lần lượt đưa các hộp đựng phẩm nhuộm dạng bột và cân đong tự động theo đúng liều lượng cho từng mẻ nhuộm, sau đó trộn chung lại thành các dung dịch màu nhuộm và đưa theo băng tải đến máy nhuộm, hoặc đổ vào xô để mang tới máy nhuộm.
- Hệ Thống Pha Màu Trung Tâm, Dạng Lỏng: Như hệ thống pha màu trong phòng thí nghiệm, nhưng phức tạp hơn và kết hợp luôn với việc dẫn dung dịch phẩm nhuộm vào thẳng máy nhuộm theo chương trình đã đặt sẵn.
- Hệ Thống Điều Khiển (và ghi nhận việc thực hiện từng mẻ nhuộm tại từng máy nhuộm): Hệ thống này gồm phần mềm tương thích, và hệ thống thu nhận tín hiệu hoạt động của các máy nhuộm để chuyển sang dạng số, đưa về máy tính trung tâm để xử lý theo từng mẻ nhuộm. Dữ liệu này giúp quản lý từng mẻ nhuộm, thậm chí phân tích cả giá thành thực tế của từng mẻ nhuộm (năng lượng sử dụng, nước sử dụng...).
►Trong công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm:
- Phần mềm quản lý chất lượng về màu sắc và phân lô sản phẩm theo màu sắc: Kết hợp với quang phổ kế cầm tay, giúp nhà sản xuất kiểm tra phân loại sản phẩm theo từng nhóm màu, và phân lô tự động theo từng nhóm màu để quản lý sử dụng và thông báo cho những đơn vị sản xuất phía sau (các xí nghiệp May).
- Hệ thống kiểm tra màu sắc tự động vải ngay sau khi hoàn tất: Hệ thống này cực kỳ hiện đại, kết hợp nhiều bộ đo quang phổ kế trên suốt chiều khổ của vải, giúp ghi nhận tự động tình hình chất lượng màu sắc trên từng mét vải theo suốt chiều dài của cuộn vải để hỗ trợ nhà sản xuất phân loại và đánh giá chất lượng trong từng dây vải.
Với các đầu tư nêu trên, nhà máy nhuộm của bạn sẽ đạt đẳng cấp hàng đầu thế giới. Tuy vậy, xin đừng vội lạc quan ngay cả khi bạn có đủ tiền để đầu tư hết cả các hệ thống trên. Đơn giản vì bạn phải mất cỡ 6 tháng để tìm hiểu và khai thác được chỉ một hệ thống so màu tự động. Riêng việc chuẩn bị CSDL các màu thuốc nhuộm cơ bản đã phải mất hơn 4 tháng trời trong điều kiện bạn có người, có trang thiết bị để phục vụ riêng cho công tác này. 2 tháng trời để nắm vững hệ thống phần mềm phức tạp là khá ngắn, đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải có trình độ, am hiểu về lý thuyết màu, am hiểu về hệ thống thuốc nhuộm, giao diện phức tạp toàn dùng tiếng Anh, và dùng toàn từ chuyên môn trong ngành Nhuộm.
Do đó, dù kỹ sư Hoá có thực giỏi nhưng lỡ ít biết tiếng Anh cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn; mà chuyên gia máy tính thuần túy cũng bó tay vì các thuật ngữ ngành. Phải am hiểu hệ thống máy tính (nếu bạn đầu tư hơn một trạm sử dụng, bạn phải nắm kỹ thuật mạng NT và hệ quản trị CSDL cỡ Sybase hay SQL Server), nếu không muốn nhất cử nhất động phải đóng máy, cầu cứu chuyên gia nước ngoài!
Việc tiếp nhận và nghiên cứu sử dụng tuy khó nhưng chỉ cần 1-2 cán bộ kỹ thuật giỏi là giải quyết được. Khó khăn gian khổ nhất là phải đổi mới công tác quản lý dựa trên tiêu chuẩn mới. Phải mất hàng năm trời để xây dựng lại hệ thống thông tin nội bộ trong xí nghiệp Nhuộm cho khớp với các yêu cầu mà hệ thống quản lý màu sắc điện tử đặt ra. Bạn phải thiết lập bộ mã thống nhất trong xí nghiệp nhuộm của bạn, như lập mã số thuốc nhuộm, hoá chất, mã số công thức màu, mã số thiết bị, mã số đơn hàng, khách hàng, loại nguyên vật liệu, mã nhóm thuốc nhuộm...
Ngoài ra, phải thiết lập một loạt quy định để bảo đảm 100% công thức màu được quản lý bằng máy tính, và việc cập nhật các màu sắc cùng các thông số nhuộm cũng được thực hiện 100% trên hệ thống máy tính.
Tất cả đòi hỏi vị giám đốc đơn vị phải quyết tâm chỉ đạo thực hiện, còn tất cả cán bộ liên quan phải toàn tâm toàn ý cho công tác này, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn đã có nhiều năm hoạt động. Do đó, việc đầu tư trang bị từng hệ thống, phần mềm như trên là cần thiết, nhưng đừng quên đầu tư vào con người cho hệ thống quản lý hiện hữu.
►Vẫn chưa thỏa mãn'Thượng đế'?

Quang phổ kế Microflash (Datacolor) giúp đo màu sắc của quả banh
|
Chưa hết, dù đã giải quyết xong vấn đề nội bộ nhưng chuyện sau mới rắc rối: Máy đã cho ?E <0.05 (tiêu chuẩn đánh giá về độ chênh lệch màu sắc) nhưng khách hàng vẫn bảo 'không đạt khi so bằng mắt thường'.
Vậy là sao? Hệ thống hàng trăm triệu đồng của bạn là không chính xác?
Không phải, nhưng 'sự cố' này đòi hỏi bạn phải thay đổi cả cách làm việc với khách hàng:
- Khi nhận đơn hàng, phải hỏi rõ: Khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm này ở đâu, trong nhà dưới ánh sáng nhân tạo, hay ánh sáng ban ngày ngoài trời? Điều này rất quan trọng để tránh các bất đồng sau này. Sau đó, bạn phải điều chỉnh thích hợp nguồn sáng của quang phổ kế phù hợp với điều kiện khách hàng đưa ra. Và cũng đừng quên nhắc khách hàng: Khi so mẫu, cần phải so dưới điều kiện chuẩn (so bằng Light Box) với nguồn sáng thích hợp.
- Cũng không loại trừ khả năng người kiểm tra sản phẩm có... khuyết tật trên võng mạc, số lượng tế bào hình cone phân bố không đều cũng dẫn tới tình trạng này (!). Lúc đó, cần khéo léo thuyết phục khách hàng 'đừng tin vào mắt mình mà hãy tin vào máy'. Nếu khó quá, đành phải thả một... Bug vào phần mềm đánh dấu vị khách hàng đặc biệt này để về sau khi thực hiện đơn hàng cho họ, ta sẽ lưu ý tất cả màu phải lệch sang ánh xanh một tí chẳng hạn, cho vừa lòng 'thượng đế'!
►Thiết bị, giải pháp nào trên thị trường?
Hiện có nhiều loại phần mềm liên quan đến việc quản lý màu sắc, quản lý sản xuất theo màu sắc trên thị trường. Có nhà cung cấp thực hiện từ A đến Z như DataColor (chế tạo luôn quang phổ kế và các thiết bị CAM, phần mềm đi theo), nổi tiếng là các sản phẩm DataMatch, ITM Process.
Có nhà cung cấp lại sử dụng quang phổ kế chuyên dụng hàng đầu thế giới (như Matchbec) và biên soạn phần mềm riêng của mình để tập trung thiết kế chế tạo đủ các hệ thống CAD/CAM cho suốt quá trình sản xuất của ngành nhuộm, ví dụ như Orintex (Italia).
Các nhà sản xuất châu Á chuyên chế tạo các thiết bị CAM, nhất là hệ thống Color Dispensing - nổi tiếng nhất là CoPower (nay đã sáp nhập vào DataColor). Logic ART (LA) nổi tiếng với hệ thống kho thông minh, hệ thống pha hoá chất dạng lỏng...
Vậy chọn lựa đầu tư như thế nào?
Đầu tư đến đâu là một câu hỏi mà người viết muốn hỏi lại các doanh nghiệp.
Chính xác hơn, bạn hãy thử trả lời các câu hỏi sau trước khi quyết định số hoá toàn bộ quy trình nhuộm của đơn vị mình: Đội ngũ kỹ thuật của công ty bạn hiện nay ra sao? Hệ thống quản lý công thức và hóa chất thuốc nhuộm của công ty bạn như thế nào? Bạn có bao nhiêu loại vật liệu vải có kết cấu khác nhau? Bạn muốn biết thông tin gì để quản lý? Và, đương nhiên, bạn định đầu tư bao nhiêu tiền cho công tác này?
Bài viết từ Hồng Khắc Ái Nhân